Đột tử khi tập thể thao, đặc biệt là các môn thể thao cần sự gắng sức, là vấn đề nóng hổi nhiều thập kỷ qua. Nguyên nhân, triệu chứng và cách đề phòng đột tử khi chơi thể thao là gì? 

Thể thao chiếm một phần quan trọng trong quỹ thời gian mỗi ngày của nhiều người. Nó là cách để người tập trở nên khỏe mạnh, minh mẫn hơn… nhưng cũng là nguyên nhân khiến không ít người nhận hậu quả. Tập thể dục, chơi thể thao không đúng sức mình có thể khiến người tập dính chấn thương, tàn tật, thậm chí là qua đời… Vì thế, tập thể thao đúng cách là điều hết sức quan trọng.

Trước khi bắt đầu tập luyện một môn thể thao nào đó, các bác sĩ khuyên chúng ta đi khám sức khỏe tổng quát để đánh giá giá chức năng tim mạch, từ đó lựa chọn môn thể thao phù hợp. Ngay cả những người khỏe mạnh, được cho là không có vấn đề về tim mạch, nhưng vẫn có thể đột tử khi chơi thể thao.


Có khá nhiều nguyên nhân gây ra đột tử như:

+ Người có bệnh lý về tim mạch như: thiếu máu cơ tim, bệnh lý van tim, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn, suy tim, bệnh tim bẩm sinh.

+ Rối loạn nhịp tim: Hội chứng Brugada (một tình trạng đặc biệt trong đột tử, có thể khiến người bệnh đột tử trong đêm không giải thích được); hội chứng kích thích sớm.

Dấu hiện đầu tiên của người có bệnh lý tim mạch sẽ là: mệt mỏi (xuất hiện ở đa số các bệnh nhân). Ngoài ra, bệnh nhân còn có thêm triệu chứng đau ngực bên trái thường xảy ra khi: gắng sức, xúc động, hồi hộp… Hoặc bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng đau nhói, hồi hộp tim, nhịp tim đập không đều…

Để phòng đột tử, bạn nên có ý thức tầm soát các yếu tố nguy cơ theo định kỳ.

+ Đối với người trên 40 tuổi nên tầm soát 1 năm/lần;
+ Người dưới 40 tuổi 2 năm/lần.
+ Người khỏe mạnh khi có triệu chứng mệt, đau ngực thì nên đi khám và tầm soát sớm.

Hiện nay, phong trào tập chạy bộ, leo núi, đạp xe… rất phổ biến trong cộng đồng. Tập luyện môn nào cũng đều có lợi cho sức khỏe nếu người tập chú ý đến tình trạng sức khỏe, biết lắng nghe cơ thể và tập luyện có lộ trình chứ không tăng khối lượng tập bất thường.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như chớm hè, khi nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến hơn 40 độ C thì tập luyện lại càng cần phải chú ý. Việc tập gắng sức trong điều kiện thời tiết xấu, cộng với thể trạng mỏi mệt, dinh dưỡng không được chú ý… là con dao hai lưỡi có thể khiến bạn gặp nạn.

Vì vậy, hãy lắng nghe cơ thể mình khi tập luyện bất kỳ môn thể thao nào.

Theo Webthethao.vn

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link