Có 4 đội tuyển vô địch World Cup nữ trong đó tuyển Mỹ đang giữ kỷ lục 4 lần đăng quang trong 8 lần giải đấu được tổ chức.

Giống giải vô địch thế giới dành cho nam, World Cup nữ cũng diễn ra bốn năm một lần kể từ năm 1991. Tuyển Mỹ là đội giàu thành tích nhất, lọt vào bán kết trong cả 8 lần tham dự. Mỹ cũng là đội đăng quang nhiều nhất với 4 lần vào các năm 1991, 1999, 2015 và 2019. Họ có một lần là Á quân năm 2011, ba lần xếp thứ ba năm 1995, 2003 và 2007, chưa lần nào đứng thứ tư.

Tuyển nữ Mỹ đang là đương kim vô địch World Cup. Ảnh: AP

Tuyển Đức có hai kỳ liên tiếp vô địch vào 2003 và 2007, một lần về nhì năm 1995 và hai lần xếp thứ tư (1991 và 2015). Ở kỳ World Cup nữ thứ hai năm 1995, các cô gái Na Uy đăng quang. Đội bóng bắc Âu một lần về nhì năm 1991, chưa lần nào đứng thứ ba và hai lần đứng thứ tư năm 1999, 2007. Năm 2011, tuyển nữ Nhật Bản lập kỳ tích vô địch thế giới sau khi thắng Mỹ ở chung kết. Bốn năm sau, các cô gái xứ sở mặt trời mọc cũng lọt vào chung kết gặp Mỹ nhưng lần này họ thất bại.

Các đội tuyển Thụy Điển, Brazil, Trung Quốc và Hà Lan đều từng rất gần giấc mơ vô địch thế giới nhưng thất bại ở các trận chung kết năm 2003, 2007, 1999 và 2019. Các cô gái Anh một lần đứng thứ ba năm 2015, xếp thứ tư năm 2019. Tuyển nữ Canada và Pháp mỗi đội đều một lần lọt vào top 4 World Cup.

Dù chưa một lần vô địch World Cup nữ nhưng siêu sao Marta của Brazil đang giữ kỷ lục ghi bàn ở giải với 17 bàn sau 5 kỳ. Số bàn thắng của cô ở World Cup hơn đồng nghiệp nam Miroslav Klose của tuyển Đức một bàn. Thành tích của Marta có khả năng tăng lên khi cô tiếp tục dự World Cup nữ năm nay. Đây có thể là kỳ World Cup cuối cùng của Marta ở tuổi 36.

World Cup nữ 2003 diễn ra ở Australia và New Zealand từ hôm nay đến 20/8. Lễ khai mạc dự kiến diễn ra lúc 13h30 (giờ Việt Nam). Sau buổi lễ ngắn gọn sẽ diễn ra trận mở màn giữa đồng chủ nhà New Zealand và Na Uy.

Giải đấu năm nay tăng lên 32 đội, chia làm 8 bảng thi đấu vòng tròn một lượt chọn hai đội nhất nhì đi tiếp. Bảng A gồm New Zealand, Na Uy, Philippines và Thụy Sĩ. Australia, CH Ireland, Nigeria và Canada ở bảng B. Tây Ban Nha ở bảng C cùng Costa Rica, Zambia và Nhật Bản. Anh, Haiti, Đan Mạch và Trung Quốc cùng tranh hai suất vào 16 đội ở bảng D. Đương kim vô địch Mỹ ở bảng E với Việt Nam, Hà Lan và Bồ Đào Nha. Bảng F gồm Pháp, Jamaica, Brazil và Panama. Thụy Điển, Nam Phi, Argentina và Italy ở bảng G. Đại diện châu Á Hà Quốc ở bảng H với Đức, Morocco và Colombia.

Theo Hoàng Trang (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link