Sau kỳ thi nâng đai toàn quốc diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua tại Quảng Nam, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tiếp tục chuỗi hoạt động trong năm 2023 với việc tổ chức tập huấn và thi trọng tài quốc gia Võ cổ truyền.
Những điều bất ngờ
Đợt tập huấn đã diễn ra thành công tốt đẹp với những dấu ấn đặc biệt “chưa từng có”, đánh dấu quá trình phục hồi và đổi mới phương thức hoạt động của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Đợt tập huấn và thi trọng tài quốc gia Võ cổ truyền năm 2023 diễn ra từ ngày 2-7/4, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, do Tổng cục TDTT phối hợp với Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Mục tiêu của đợt tập huấn nhằm bồi dưỡng và đào tạo lực lượng trọng tài làm nhiệm vụ cho các giải đấu Võ cổ truyền trong nước và quốc tế sắp tới.
Nội dung tập huấn lần này có một số điểm mới so với trước đây như bổ sung bài thi kiểm tra thể lực với nội dung chạy bộ 1.500m tính giờ; kiểm tra chuyên môn trọng tài: Đánh gió tự do 2 phút và thực hiện một bài quyền; trực tiếp thi đấu theo yêu cầu của Ban giảng viên (đấu ít nhất 1 trận). Bên cạnh đó là nội dung thi trắc nghiệm lý thuyết và thi thực hành đối với các học viên tham dự kỳ thi trọng tài quốc gia.
Căn cứ vào kết quả thi, Ban tổ chức sẽ trao bằng chứng nhận và sổ trọng tài hạng A, hạng B cho các học viên vượt qua các nội dung kỳ thi (tượng tự các môn Karate và Taekwondo hiện nay).
Mặc dù đã được lãnh đạo Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thông báo trước cho các học viên về việc phải cân nhắc vào khả năng để đăng ký tham dự khóa tập huấn và thi trọng tài quốc gia, tuy vậy, số lượng học viên tham dự vẫn hết sức đông đảo.
Theo báo cáo của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, khoá tập huấn lần này có sự tham gia của 210 học viên đến từ 34 tỉnh, thành, ngành tham dự. Đáng chú ý, kỳ tập huấn còn có sự tham dự của một số gương mặt đặc biệt, đó là các võ sư lão làng lớn tuổi (có 11 học viên có tuổi đời từ 60 trở lên, học viên lớn tuổi nhất sinh năm 1951) đã không quản ngại đường xa về tham dự kỳ tập huấn nhằm ủng hộ các hoạt động đổi mới của Liên đoàn.
Và một gương mặt hết sức đặc biệt “không ai ngờ tới” cũng có mặt tại khoá tập huấn đó chính là “tượng đài” Karate Việt Nam – cựu võ sĩ Trần Văn Thông, VĐV Karate đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng tại một kỳ Sea Games (Sea Games 17 năm 1993 ở Singapore, hạng cân 60kg) và đồng thời cũng là một trong hai VĐV đầu tiên của Karate Việt Nam giành huy chương bạc tại đấu trường ASIAD (ASIAD 1994 ở Hiroshima, Nhật Bản).
Sự có mặt của cựu võ sĩ Trần Văn Thông khiến giới Karate trong nước hết sức bất ngờ và sửng sốt. Điều này thêm lần nữa cho thấy sức hấp dẫn lớn của Võ cổ truyền Việt Nam đối với giới võ thuật nói chung.
Một điểm nhấn đáng chú ý tại kỳ tập huấn lần này đó là đích thân TS. Nguyễn Ngọc Anh, tân Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đứng ra thị phạm nhiều động tác, kỹ thuật thi đấu mới nhằm phân tích kiến giải sự khác nhau của Võ cổ truyền Việt Nam và các môn võ khác. Đồng thời, TS. Nguyễn Ngọc Anh cũng tham gia tập luyện như các học viên khác tham dự khóa tập huấn này.
Sàng lọc khắt khe
Theo TS. Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho biết, nhằm hướng tới sự hoàn thiện, chuyên nghiệp và thực chất, nội dung khóa tập huấn lần này đã được đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung. Do vậy, chương trình tập huấn trở nên “khắc nghiệt” hơn rất nhiều.
Bên cạnh việc hoàn thành bài kiểm tra lý thuyết và các nội dung kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên môn, kiểm tra thực hành phương pháp trọng tài…để được công nhận và cấp sổ trọng tài quốc gia hạng A và B, các học viên phải vượt qua cả 6 thử thách đối với trọng tài hạng A và 5 thử thách đối với trọng tài hạng B.
Với tính chất khắc nghiệt như vậy, ngay từ đầu khoá tập huấn, đã có 14 học viên xin rút lui để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho khóa tập huấn lần sau; có 23 học viên đăng ký thi trọng tài quốc gia nhưng đã không vượt qua nội dung kiểm tra thể lực 1.500m, do đó, không được phân hạng trọng tài. Có 64 học viên thi trọng tài hạng A, nhưng chỉ có 47 học viên thi đạt; và 65 học viên thi trọng tài hạng B, nhưng cũng chỉ có 38 học viên được công nhận vượt qua kỳ thi.
Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Anh, mặc dù khó khăn, vất vả, nhưng khóa tập huấn và thi trọng tài Võ cổ truyền Quốc gia năm 2023 đã nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ động viên mạnh mẽ từ đông đảo các học viên.
“Tại khoá tập huấn và thi trọng tài lần này, bên cạnh biểu diễn quyền thuật thì thi đấu đối kháng là một trong các nội dung bắt buộc. Ở nội dung này, mặc dù có một số học viên là các võ sư cao tuổi được đặc cách không phải thực hiện thi đấu đối kháng, nhưng có một học viên 67 tuổi và một học viên 64 tuổi nhất định đề nghị được Ban tổ chức cho tham gia thi đấu để làm gương cho thế hệ trẻ. Tinh thần học tập tích cực, hào hứng, nhiệt tình của các học viên cùng những tấm gương chấp hành nghiêm chỉnh, không vắng một buổi lên lớp nào của các học viên lớn tuổi phần nào đã nói lên ngọn lửa đam mê, mong muốn thay đổi và kỳ vọng tương lai phát triển của Võ cổ truyền Việt Nam mạnh mẽ đến thế nào”, TS. Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.
Người đứng đầu Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhận định, với nguồn lực to lớn, nhiệt huyết và khát vọng như thế, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng trong tương lai gần, Võ cổ truyền Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và không thua kém bất kỳ môn võ thuật nào trên thế giới cả về quy mô và sự hấp dẫn.
Ngọc Tân