Trong hai ngày 3 và 4, Hội thảo “Các giải pháp để đẩy mạnh phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030” đã đưa ra nhiều câu chuyện liên quan đến đường hướng phát triển bộ môn này trong thời gian sắp tới.
Thông qua hội thảo, nhiều vấn đề được nêu ra đi kèm những giải pháp mang tính thực tế. Đây được xem là bước tiến lớn của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam trong đường hướng ổn định, phát triển cũng như hội nhập phong trào võ thuật quốc tế. Bốn nhóm chuyên môn được đưa ra để bàn luận gồm: Chính sách, nhiệm vụ bảo tồn, phát triển; Tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế; Xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào; Nâng cao trình độ chuyên môn và tính hiệu quả trong hoạt động của Liên đoàn.
Sau hai ngày làm việc, một số giải pháp cụ thể được đưa ra như: Khôi phục lại các ngôi Võ miếu tại Hà Nội, Huế để khơi gợi sự tự hào trong các thế hệ; Số hóa tư liệu, hình ảnh của các môn phái, võ phái; Tổ chức Quỹ hỗ trợ võ thuật; Biên soạn các bài quyền, hệ thống kỹ thuật để bạn bè quốc tế dễ dàng tiếp cận; Tập trung sâu hơn cho công tác quảng bá, truyền thông; Nâng cao trình độ chuyên môn Trọng tài, Giám khảo; Tổ chức một đội nghiệp vụ về quyền thuật, đối kháng có ngoại hình đẹp và kỹ thuật chuyên môn để phục vụ trong công tác biểu diễn với các sự kiện trong và ngoài nước để giới thiệu Võ cổ truyền Việt Nam ra bè bạn quốc tế.
Hội thảo đã thể hiện mong muốn về sự phát triển Võ thuật cổ truyền Việt Nam của đông đảo những người yêu võ cổ truyền trong và ngoài nước. Thông qua các bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, võ sư… nhiều vấn đề cấp bách đã nêu và thời gian sớm nhất sẽ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hiện thực hóa vào công tác quản lý, điều hành. Qua hội thảo, những hy vọng về sự phát triển nghiêm túc, khoa học, sát thực tế nhất đã được các đại biểu khẳng định. Những người hâm mộ Võ thuật cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai của Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ là một điểm nhấn của văn hóa, con người Việt Nam.
Ảnh: Tổng hợp