Kendo và Kenjitsu là hai hình thức phổ biến của võ thuật truyền thống Nhật Bản. Hai bộ môn này tuy tương đồng nhưng vẫn có những điểm riêng khác biệt.

Kenjutsu

Kenjutsu không phải là loại hay bộ môn võ thuật. Chính xác hơn, nó là thuật ngữ sử dụng để mô tả các hình thức võ thuật sử dụng kiếm của Nhật Bản. Từ Kenjutsu có nguồn gốc từ Nhật Bản thời phong kiến, được sử dụng bởi các chiến binh samurai khi miêu tả đến kiếm thuật trong cuộc sống hằng ngày.

Kenjutsu chú trọng đến yếu tố kỹ năng và khả năng sát thương lên đối thủ với nhiều đòn thế khác nhau.

Ngày nay, có rất nhiều trường phái Kenjutsu khác nhau. Mỗi trường phái sẽ tập trung vào một số kỹ năng cụ thể như Rút kiếm (Iai), Tấn công (Battoiu) hay Tước vũ khí của đối thủ (Shinken Shirahadome). Tuy nhiên, phong cách phổ biến của Kenjutsu hiện nay chính là Suburi với các đòn thế xoay người và ra kiếm.

Các trường dạy Kenjutsu hiện nay thường sử dụng kiếm bằng tre thay vì kiếm thật. Nhưng nó không phải là xu hướng mới bởi trong lịch sử Nhật Bản, các chiến binh samurai cũng huấn luyện bằng kiếm tre để giảm khả năng thương tích cũng như bảo vệ những thanh katana giữ được yếu tố sắc bén.

Kendo

Kendo hay còn gọi là kiếm đạo được xem như là phong cách võ thuật đặc trưng của “Xứ sở hoa anh đào”. Bộ môn này được sáng lập vào khoảng thế kỷ 18. Dựa trên thông tin từ Liên đoàn Kiếm đạo Toàn Nhật Bản (AJKF) thì Kendo được xem là bộ môn “rèn luyện tính cách con người thông qua việc áp dụng các nguyên tắc vận hành của katana”.

Kendo chú trọng đến “tinh thần thượng võ” và gợi nhắc về truyền thống Samurai

Trong Kendo, hai học viên luôn cố gắng đấu với nhau bằng kiếm luyện tập. Có những vùng cơ thể khi chạm kiếm mới được tính điểm. Sau trận đấu dù thắng hay thua, cả hai đều kết thúc bằng cách cúi đầu tôn trọng đối thủ. Tinh thần tôn trọng là tinh thần truyền thống của Samurai trong thời phong kiến Nhật Bản.

Kendo thể hiện cho những giá trị “trí” và “lực” truyền thống của các chiến binh samurai

Kendo yêu cầu những “Kendoka” (người tập Kendo) phải đeo và sử dụng đồng phục gồm kiếm, giáp, thắt lưng và găng tay. Đặc biệt, các học viên luôn được khuyến khích thể hiện tinh thần chiến đấu và đe dọa đối thủ bằng tiếng thét chứa đựng uy lực và khả năng tự tin.

Có thể thấy Kiếm đạo là bộ môn hướng đến tinh thần và giá trị thượng võ hơn là cách thức ra đòn triệt hạ đối thủ. So với Kenjutsu một hình thức luyện tập chú trọng kỹ năng thì Kendo lại tập trung vào những giá trị tinh thần cốt lõi thượng võ, kiên cường và tôn trọng đối thủ như một chiến binh Samurai thực thụ.

Đinh Phúc – Ảnh: Internet