Vothuat.vn – Không khuất phục trước bất hạnh, những con người tuy khuyết nhưng không “tàn” và lại càng không phế”. Họ luôn hướng tới lối sống tích cực, luôn nỗ lực lao động, trau dồi kiến thức, tập luyện thể dục như những người có sức khỏe bình thường. Riêng với môn võ, họ còn là người truyền tải tinh thần lạc quan, lợi ích và ý nghĩa nhân văn mà võ thuật đem lại.
Võ thuật xuất hiện khá sớm trong dòng chảy lịch sử của nhân loại. Ban đầu võ thuật là vũ khí để con người tồn tại, đấu tranh và phát triển. Qua hàng nghìn năm, võ thuật phát triển sang một bước tiến mới – “võ đạo” – lúc này võ thuật không chỉ đơn thuần là vũ khí chiến đấu mà đó là một hệ giá trị triết học bao hàm đạo đức, lễ nghi, khoa học, tinh thần, nhân văn… chi phối đời sống con người. Ngày nay, võ thuật mang tính “phổ quát”, trở thành phương tiện chủ yếu để mọi người, kể cả người khiếm khuyết, không chỉ tập luyện nâng cao sức khỏe, kỹ năng vận động thể chất mà còn hướng đến hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, đạo đức và khẳng định giá trị bản thân trong cuộc sống.
Người khuyết tật, được xem là nhóm yếu thế xã hội, có ảnh hưởng đến một tỷ lệ dân số đáng kể ở Việt Nam, có hơn 6,2 triệu người khuyết tật hiện nay chiếm tỷ trọng 7% dân số. Bên cạnh đó, có đến 13% dân số – gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số. Theo kết quả điều tra của Unicef Việt Nam, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế và nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2.3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật. Điều đáng lưu tâm là khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em là khuyết tật liên quan đến tâm lý xã hội. Điều này liên quan đến các vấn đề phát triển của trẻ em ở các giai đoạn khác nhau, và những khuyết tật này có thể là rào cản lớn ngăn cản sự tham gia xã hội của trẻ khuyết tật. Cùng với đó là nhận thức của cộng đồng, xã hội trong công tác chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo quyền cho người khuyết tật còn gặp rất nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều người khuyết tật không hòa nhập được với môi trường xã hội xung quanh và phải sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân trong gia đình. Đây là một vấn đề xã hội rất đáng phải lưu tâm, bởi không chỉ riêng trẻ em mà cả những người tự kỷ trưởng thành, cho đến nay vẫn chưa thể hòa nhập cộng đồng do những rào cản/định kiến xã hội. Có thể nói, đa phần người khuyết tật gắn liền với sự thiếu hụt về sức khỏe và mắc nhiều vấn đề về bệnh lý, bên cạnh sự cô lập xã hội một cách vô tình đã làm họ tổn thương tinh thần, tự ti và khép kín trong thế giới riêng tư của họ.
Xác định được võ thuật là một phương tiện có giá trị khoa học và thực tiễn trước hết giúp người khuyết tật khỏe mạnh, yêu đời, hạn chế, ngăn ngừa bệnh tật, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, bên cạnh đó võ thuật giúp người khuyết tật góp phần tạo những giá trị lao động cho cộng đồng, xã hội. Hơn thế nữa, võ thuật tạo cho người khuyết tật có cơ hội tập luyện, thi đấu thể thao đạt những thành tích cao mang lại tự hào cho cộng đồng khuyết tật, cộng đồng xã hội và đất nước với những tấm huy chương giành được trên đấu trường thể thao quốc tế.
Từ những năm đầu thiên niên kỷ 2000 tại Thành phố Hồ Chí Minh, võ sư Lý Đại Nghĩa cùng cộng sự đã xây dựng những lớp võ Judo đầu tiên cho người khiếm thị. Những thành quả đạt được về thành tích thể thao khi năm 2007 Triệu Thị Nhỏi lần đầu tiên đạt tấm huy chương bạc Judo tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Châu Á Thái Bình Dương – FESPIC Games, để tiếp tục tạo động lực cho cộng đồng người khuyết tật ngay sau đó tuyển Judo người khiếm thị tiếp tục đạt 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Para Games 2009) và lần đầu tiên 1 “Para Judoka” Việt Nam Triệu Thị Nhỏi giành được vé chính thức dự Thế vận hội Paralympic 2009. Đến nay qua 20 năm hình thành và phát triển, võ thuật Judo đã phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng trăm bạn trẻ khiếm thị tham gia tập luyện và thi đấu, hình thành những biểu tượng nêu gương và giá trị sống trong tinh thần võ sĩ đạo của các môn sinh Judo người khiếm thị.
Qua 20 năm hình thành và phát triển các lớp Judo cho người khuyết tật, võ thuật Judo đã phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng trăm bạn trẻ khiếm thị tham gia tập luyện và thi đấu, hình thành những biểu tượng nêu gương và giá trị sống trong tinh thần võ sĩ đạo của các môn sinh Judo người khiếm thị.
Hay bước sang Đạo đường Aikido “Thế giới là yêu thương” của võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan, hơn 15 năm qua đây là “ngôi nhà” của trẻ khiếm thị và khuyết tật trí tuệ. Giá trị võ đạo trong Aikido lấy tình thương làm tinh thần, lấy hòa hợp làm phương châm hành động và lấy khí lực làm cơ sở để kết hợp mà hóa giải mọi hình thức công kích trong cuộc sống. Với một nhân sinh quan theo sát với quy luật của tự nhiên, Aikido chủ trương xây dựng một tinh thần ổn định, lành mạnh để chỉ đạo, lấy phương pháp tập luyện để thể hiện và khai triển ra thành hành động hầu kiến thiết một tương lai tốt đẹp. Và những trẻ khuyết tật nay đã trở thành những “võ sĩ đạo đặc biệt” đã thụ hưởng những giá trị tốt đẹp này. Chính từ ngôi nhà này, có những bạn đã hồi phục chức năng, hòa nhập cuộc sống, tạo được những giá trị cho xã hội. Tiêu biểu là võ sinh khiếm thị Trần Thị Mộng Tuyền đã trưởng thành và trở thành huấn luyện viên giảng dạy lại cho chính các em võ sinh khiếm khuyết trí tuệ.
Đến với Câu lạc bộ Võ học dành cho trẻ khuyết tật và mồ côi ở Đồng Nai của võ sư khiếm thị Nguyễn Đăng Khoa mới thấy được giá trị của võ học đã ảnh hướng tích cực đến đời sống của người khuyết tật như thế nào! Lấy tinh thần võ học dân tộc của Võ cổ truyền Việt Nam, võ sư Khoa đã giúp bao lớp trẻ mồ côi và khuyết tật trở nên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, tự tin hội nhập vào cuộc sống xã hội.
Một năm trở lại đây, trên cơ sở khoa học của các nghiên cứu công bố về thể thao và võ thuật tác động hiệu quả đến thể chất và tương tác xã hội của trẻ khiếm khuyết trị tuệ, hội chứng Down và rối loạn phổ tự kỷ, các huấn luyện viên Trần Mai Thúy Hồng, Đặng Thanh Cường và Lưu Cẩm Hằng đã khởi động lớp Judo dành cho trẻ “đặc biệt”. Hơn 30 trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ và khiếm khuyết trí tuệ được tập luyện võ thuật và kết quả ban đầu cho thấy Judo đã tăng cường hiệu quả về thể lực và khả năng giao tiếp xã hội mà vốn dĩ là “sự tự cô lập” là đặc điểm của nhóm trẻ này.
Lại đến thăm Trường bắn cung Galaxy (Cung Văn hóa Lao động) của võ sư Vovinam Nguyễn Văn Hiếu mới thấy ý nghĩa, niềm vui và giá trị sống của những người khuyết tật chi, cả cuộc đời gắn với chiếc xe lăn, tưởng chừng như không thể thoát khỏi. Thế mà những cánh cung và mũi tên lao vun vút về hồng tâm, đã thay đổi cuộc đời học theo hướng tích cực. Thành lập từ cuối năm 2020, Câu lạc bộ Bắn cung Galaxy trở thành nơi xây đắp hoài bão thể thao cho người khuyết tật, các “cung thủ para” thỏa chí với niềm đam mê và tình yêu dành cho môn thể thao này. Các cung thủ para Lý Cường, Trần Văn Phước, Nguyễn Duy Minh được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ tạo những “điều bất ngờ” của bắn cung para Việt Nam tại đấu trường APG 2023. Hiện nay, ngoài Trường cung Galaxy, các câu lạc bộ bắn cung người khuyết tật phát triển mạnh mẽ tại Tinh Võ (Quận 5), Gò Vấp và Quận 12. Trong những ngày cuối năm này, LS. Trần Thanh Tùng – Chủ tịch Liên đoàn kiếm đạo Thành phố cũng đang tất bật cùng các cộng sự thuộc Cộng đồng thể thao người khuyết tật Việt Nam chuẩn bị một sự kiện võ thuật mừng Xuân 2022 mang tên: “Ngày hội Kiếm đạo Para – Bạn đã sãn sàng vượt qua khiếm khuyết để trở thành một võ sĩ đạo chưa?”. Sự kiện được tổ chức trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022 dành cho người khuyết tật chi và các dạng khiếm khuyết khác.
Thực tiễn phát triển võ thuật cho cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam trong 2 thập kỷ qua đã minh chứng giá trị của võ học tác động tích cực đến sức khỏe, tinh thần của người khuyết tật, những giá trị triết học mang tính võ đạo đã len lõi vào đời sống tinh thần của người khuyết tật, giúp họ tự tin bước ra khỏi “vỏ bọc an toàn” để hòa nhập, cống hiến và tạo nên những giá trị xã hội. Võ thuật sẽ luôn là điểm tựa tinh thần cho cộng đồng người khuyết tật trong dòng chảy thời đại của toàn xã hội.
TS Lý Đại Nghĩa
Theo Sài Gòn Thể Thao