Mặc dù Nhật Bản luôn thống trị bảng xếp hạng huy chương Judo trong các kỳ Olympic, môn thể thao này lại đang đối mặt với một tương lai bấp bênh trên chính quê hương của mình.

Mới đây, Liên đoàn Judo toàn Nhật Bản đã hủy bỏ một giải đấu toàn quốc dành cho trẻ em dưới 10 tuổi, cảnh báo rằng những vận động viên đang bị thúc ép quá mức để đạt được thành tích, AFP đưa tin hôm 20/6.

Trước đó vào tháng 3, liên đoàn này cũng đưa ra quyết định không tổ chức giải đấu dành cho trẻ em từ 10 đến 12 tuổi, thay vào đó là những sự kiện diễn thuyết và các buổi tập luyện.

Các quyết định trên đã tạo ra phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh và huấn luyện viên vì họ cho rằng liên đoàn đang hủy hoại giấc mơ của trẻ em và làm ảnh hưởng tới vị thế đứng đầu về Judo của Nhật Bản trên thế giới.

Trẻ em trong các lớp học Judo tại Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Đối diện với các phản ứng trên, Chủ tịch liên đoàn – ông Yasuhiro Yamashita – nhấn mạnh với AFP rằng các giá trị của môn thể thao này đang bị mất đi khi các bậc cha mẹ và huấn luyện viên theo đuổi vinh quang ngắn hạn.

Bên cạnh đó, ông cho rằng việc loại bỏ cuộc thi dành cho các vận động viên nhí là “một vấn đề liên quan đến xã hội Nhật Bản”.

Tuổi nhỏ, áp lực quá lớn

Tâm lý giành chiến thắng bằng mọi giá, các hình phạt hà khắc và áp lực giảm cân đang khiến số lượng lớn trẻ em ở Nhật Bản bỏ học Judo ngày càng nhiều. Cụ thể, số vận động viên của môn thể thao này đã giảm gần một nửa kể từ năm 2004, hiện nay chỉ khoảng khoảng 120.000 người.

Trong khoảng thời gian từ năm 1983 tới 2016, Nhật Bản đã ghi nhận 121 trường hợp tử vong liên quan đến Judo ở các trường học.

Đồng thời, các báo cáo còn cho thấy trẻ học tiểu học ở Nhật Bản khi tham gia tập luyện Judo chịu sức ép giảm cân, thậm chí đến mức 6 kg, để tham gia thi đấu ở hạng cân nhẹ hơn.

Trong các chương trình huấn luyện, vận động viên Judo nhí phải thực hiện những động tác nguy hiểm và duy trì chế độ luyện tập cường độ cao, điều này khiến cho các em bị thương hoặc kiệt sức.

Những vận động viên Judo nhí đang phải chịu áp lực rất lớn cả về thể chất và tinh thần. Ảnh: AFP.

Không chỉ chịu những đau đớn về thể chất, những trẻ em tập luyện Judo ở Nhật Bản còn phải chịu những áp lực về tinh thần rất lớn từ phía phụ huynh.

Ông Hisako Kurata, đại diện Hiệp hội Nạn nhân Tai nạn Judo Nhật Bản, cho biết hầu hết bậc cha mẹ “không nghĩ đến nguy hiểm và chỉ muốn con mình chiến thắng”.

“Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng nếu đứa giành được một danh hiệu, họ sẽ hạnh phúc và những điều họ đang làm là tốt cho con mình”, ông Kurata – người có con trai 15 tuổi qua đời năm 2011 do chấn thương đầu cho biết tại câu lạc bộ Judo ở trường, chia sẻ.

Ông cũng cho biết rằng những đứa trẻ đang bị xây dựng tâm lý chiến thắng bằng mọi giá từ cha mẹ và câu lạc bộ mà chúng tập luyện.

Noriko Mizoguchi, một võ sĩ Judo Nhật Bản từng giành huy chương bạc tại Olympic Barcelona 1992, cho biết Judo giờ đây “không phải là niềm vui” đối với trẻ em Nhật Bản.

“Chúng ta cần đối xử với đứa trẻ một cách cẩn thận và có tầm nhìn dài hạn cho tương lai, nếu không tương lai của Judo Nhật Bản đã đạt đến giới hạn”, cô kêu gọi.

Bóp méo giá trị nhân văn của thể thao

Yamashita, người cũng là chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản và đã giành huy chương vàng tại Thế vận hội Los Angeles năm 1984, cho biết: “Judo là một môn thể thao đề cao tính nhân văn. Nếu chúng ta không thấy giá trị gì ngoài chiến thắng thì giá trị đó sẽ bị bóp méo”.

Các hành vi phi thể thao như cha mẹ và huấn luyện viên thường xuyên chửi bới trọng tài trong các trận đấu vẫn còn tồn tại. Trong những năm qua, hình ảnh của môn thể thao vốn đầy tính nhân văn này bị ảnh hưởng bởi các bê bối lạm dụng hay bắt nạt.

Nữ võ sĩ Mizoguchi cho biết niềm tin rằng những bài tập hà khắc khiến trẻ em mạnh mẽ hơn vẫn còn phổ biến ở Nhật Bản.

Cô Noriko Mizoguchi chỉ ra phương pháp đào tạo Judo cứng nhắc và hà khắc tại Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Cô nhấn mạnh: “Có một điều khiến công tác huấn luyện trong thể thao Nhật Bản mắc kẹt là nó không sử dụng lời nói mà sử dụng bạo lực”.

“Tại các buổi tập luyện Judo, các vận động viên chỉ được trả lời bằng tiếng hét ‘Hai’ (nghĩa là ‘vâng’) và không bao giờ được xưng hô với người khác bằng tên”, cô Mizoguchi chia sẻ.

“Đánh đập cũng trở thành một phần trong phương pháp đào tạo này”, cô Mizoguchi nói thêm.

Chính văn hóa đó khiến học viên gần như chỉ có thể chịu đựng một quá trình huấn luyện rất hà khắc.

Judo và các môn võ thuật khác đã được sử dụng để huấn luyện quân sự ở Nhật Bản trước thế chiến thứ hai. Trong thời kỳ này, các quân nhân sẽ đến thăm các trường học để giảng dạy.

Võ thuật bị cấm trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng sau chiến tranh nhưng tới Thế vận hội Tokyo 1964, Judo chính thức được công nhận là môn thể thao và đưa vào thi đấu.

Theo Zing.vn

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link