Nếu còn sống, Lý Tiểu Long đã hơn 80 tuổi. Ông là ngôi sao từ chối tuân theo “kỹ thuật chiến đấu chuẩn mực” và luôn tìm cách sáng tạo môn võ Triệt quyền đạo.

Trên thực tế, ngôi sao quá cố phát triển Triệt quyền đạo vì cảm thấy nhàm chán với các kiểu võ cứng nhắc và hạn chế sự sáng tạo của người học võ.

Vi sao Triet quyen dao la di san de doi cua Ly Tieu Long?

Nguồn gốc Triệt quyền đạo

Trước khi võ thuật tổng hợp xuất hiện, võ thuật nói chung có những quy tắc và truyền thống không thể phá vỡ. Võ sĩ phải tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật của từng bộ môn. Lý Tiểu Long cho rằng điều này thật nực cười và gọi nó là “thông điệp lỗi thời”.

“Triệt quyền đạo không có đặc trưng rõ rệt, nên nó có thể phù hợp với mọi thể loại võ. Kết quả là môn võ này sử dụng tất cả cách thức và kỹ thuật để chiến đấu”, ngôi sao quá cố viết trong cuốn Đạo của Triệt Quyền Đạo.

Lý Tiểu Long cũng để người tập luyện Triệt quyền đạo tự do điều chỉnh kỹ thuật nhằm phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu, ra đòn đúng thời điểm và tạo cú chốt hạ.

“Lý Tiểu Long luôn nhấn mạnh ‘động tác chân, động tác chân, động tác chân và nhiều động tác chân’. Anh ấy cố gắng giúp chúng tôi linh động trong việc tập luyện”, Jerry Poteet, học trò quá cố của Lý Tiểu Long, có lần trả lời SCMP.

Vi sao Triet quyen dao la di san de doi cua Ly Tieu Long?-Hinh-2

Huyền thoại võ thuật thậm chí còn làm tấm bia với tựa đề “The Classical Mess” (tạm dịch: Mớ hỗn độn cũ kỹ) để nhắc nhở bản thân những vấn đề nảy sinh từ việc cứng nhắc với cách chiến đấu truyền thống.

Năm 1967, Lý Tiểu Long bắt đầu phát triển Triệt quyền đạo ở California, Mỹ. Sau khi rời dự án Green Hornet, nam diễn viên mở Viện Kung fu Trấn Phiên ở khu phố Tàu của Los Angeles để kiếm sống bằng nghề dạy kung fu.

Theo cuốn Bruce Lee: A Life của Matthew Polly, Lý Tiểu Long đã khuyến khích nhóm bạn và học sinh từ trường võ thuật của võ sư Ed Parker đến tập luyện với ông. Ngôi sao gạo cội muốn tập hợp một số đối thủ để thử cách chiến đấu mới.

“Mục đích của Lý Tiểu Long là nâng cao trình độ, kỹ năng của học trò đến khi họ đủ giỏi để đấu với ông”, Polly viết.

Môn võ đề cao tính sáng tạo

Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long hoàn toàn khác với các môn kung fu trước đây. Loại võ này kết hợp nhiều kỹ thuật phương Đông lẫn phương Tây. Trong đó, nền tảng là Vịnh Xuân quyền – môn võ Lý Tiểu Long học ở Hong Kong từ nhất đại tông sư Diệp Vấn.

Vịnh Xuân quyền là môn võ thiên về nắm đấm, sử dụng những cú đấm nhanh ở cự ly gần. Lối đánh này phù hợp với hình thể của Lý Tiểu Long. Ông tương đối nhỏ con và khó có thể chịu được đòn đánh của các đối thủ nặng ký hơn.

Vi sao Triet quyen dao la di san de doi cua Ly Tieu Long?-Hinh-3
Môn võ mang tính sáng tạo của Lý Tiểu Long

Lý Hương Ngưng (Shannon Lee) – con gái duy nhất của Lý Tiểu Long – từng viết trong cuốn Be Water, My Friend: “Ngay cả khi cha tôi sáng tạo môn Triệt quyền đạo, ông vẫn tiếp tục luyện tập bài tập Vịnh Xuân cơ bản”.

Trong quyển tự truyện, chị cho biết những buổi tập luyện của Lý Tiểu Long sẽ trau dồi khả năng “phản ứng nhanh như chớp và đọc được suy nghĩ của đối thủ”. Ngôi sao võ thuật gốc Hong Kong cũng đưa Arnis (võ gậy) của Philippines, Nhu thuật của Nhật Bản vào môn Triệt quyền đạo.

Lý Tiểu Long vốn là người hâm mộ nhà vô địch quyền Anh hạng nặng Muhammad Ali. Ngôi sao võ thuật thường tự hỏi liệu có thể đánh bại khi chiến đấu với Ali không. Vì vậy, ông học hỏi thêm rất nhiều từ quyền Anh phương Tây.

Quyền Anh là môn võ thường được cho là hiệu quả hơn kung fu trong các cuộc đối kháng trực tiếp. Vì vậy, Lý Tiểu Long quan tâm, tìm hiểu động tác chân nhanh nhẹn của các võ sĩ phương Tây cùng những cú đấm của họ. Trong các bộ phim Lý Tiểu Long tham gia, ở những phân đoạn chiến đấu, anh di chuyển không ngừng.

Môn võ thuật tuy ít được áp dụng nhưng cũng góp phần lớn trong sự phát triển của Triệt quyền đạo là đấu kiếm. Lý Trung Sâm – em trai của Lý Tiểu Long – là một tay kiếm cừ khôi.

“Một lần nữa, Triệt quyền đạo nhấn mạnh việc đi trước đối thủ một bước. Từ đấu kiếm, cha tôi bắt đầu xem xét động tác chân, sau đó là phạm vi, thời điểm của cú đánh chặn và đòn đánh. Cả hai kỹ thuật này đều đáp ứng các cuộc tấn công và phòng thủ”, Lý Hương Ngưng viết trong sách.

Giống các loại võ thuật khác, sứ mệnh của Triệt quyền đạo là tạo ra để chiến đấu. Song, ngôi sao quá cố nhìn nhận nó dưới góc độ triết học. “Triệt quyền đạo là môn võ khai sáng. Đó là một cách sống, một phong trào hướng tới sức mạnh và sự kiểm soát của ý chí”, trích cuốn Đạo của Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long.

Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link