Sau 3 kỳ lỗi hẹn với SEA Games, Vovinam – một môn võ truyền thống của Việt Nam sẽ trở lại sân chơi này được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm nay. Chuẩn bị cho đấu trường lớn nhất khu vực, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định tập huấn đội tuyển đối kháng từ tháng 3-2021 và đội tuyển quyền môn Vovinam từ đầu tháng 1 đến hết ngày 31-5-2022.

SEA Games 26-2011 trước phút chia tay.

Theo đó, đội tuyển đối kháng gồm 3 huấn luyện viên và 12 vận động viên đang tập huấn tại Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội, trong lúc đó đội tuyển quyền gốm 3 huấn luyện viên và 21 vận động viên đang tập huấn tại Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến Vovinam các nước Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines, Thái Lan,… cùng chủ nhà Việt Nam sẽ tranh tài 15 bộ huy chương tại SEA Games 31, gồm 6 hạng cân đối kháng (nam: dưới 55kg, 60kg, 65kg; nữ: dưới 55kg, 60kg, 65kg) và 9 nội dung thi quyền gồm 5 nội dung dành cho nữ: đơn luyện tay không (bài Long hổ quyền), đơn luyện vũ khí (bài Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp), song luyện vũ khí, song luyện tay không, đa luyện vũ khí và 4 nội dung dành cho nam: đơn luyện vũ khí (bài Tứ tượng côn pháp), song luyện vũ khí, đa luyện vũ khí và đòn chân tấn công, tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo ông Ngô Bá Huy – phụ trách bộ môn Vovinam (Tổng cục Thể dục Thể thao), mục tiêu của chủ nhà Việt Nam là giành 5 HCV.

Thi đấu, kiểm tra, đánh giá đội tuyển đối kháng. Ảnh: VVF

Trong lúc đó, TS Mai Hữu Tìn – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF) và Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) chia sẻ thêm nếu đều kiện cho phép, một cuộc họp mặt toàn thể thành viên WVVF tại Hà Nội vào dịp SEA Games lần này.

Nhìn lại 11 năm trước, sau nhiều nỗ lực vận động của ngành TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn Vovinam Việt Nam cùng sự cố gắng quảng bá môn võ này ở khu vực Đông Nam Á những năm trước, Vovinam lần đầu tiên hiện diện tại đấu trường SEA Games 26 vào năm 2011 tổ chức ở Indonesia. Lúc bấy giờ, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam/Chủ tịch WVVF Nguyễn Danh Thái đã cử Tổng thư ký WVVF và VVF Võ Danh Hải sang Indonesia gặp bà Chủ tịch Ủy ban Olympic nước này để trao đổi, tạo sự đồng thuận trước khi đề nghị trong cuộc họp chính thức của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á. Hai năm sau, Vovinam tiếp tục góp mặt tại SEA Games 27 năm 2013 tổ chức ở Myanmar.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, Vovinam lại không có tên trong danh sách các môn thi đấu ở 3 kỳ SEA Games tiếp theo (28, 29, 30). Trong đó, đáng chú ý là do phong trào Vovinam ở các nước trong khu vực Đông Nam Á chưa phát triển đồng đều, chưa có một vị thế tương xứng với các môn thể thao khác. Chính vì thế, tiếng nói của bộ môn trong các Ủy ban Olympic Quốc gia và trong Hội đồng Thể thao Đông Nam Á không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên.

Sau SEA Games 31, nhiều khả năng Vovinam tiếp tục hiện diện tại SEA Games 32 tổ chức ở Campuchia vào năm 2023 vì đây là thế mạnh của quốc gia này. Nhìn về lâu dài, với mong muốn Vovinam sớm trở thành một môn thể thao thường xuyên thi đấu tại SEA Games, WVVF và VVF còn nhiều việc phải làm. Trước mắt là hỗ trợ Liên đoàn Vovinam châu Á, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á và các nước trong khu vực nâng cao trình độ huấn luyện viên, vận động viên, đồng thời từng bước mở rộng thêm lớp tập phong trào đến các tỉnh, thành phố… Mặt khác, Vovinam Việt Nam cũng cần củng cố các tổ chức của môn phái, liên đoàn, chuẩn hóa đòn thế kỹ thuật, luật thi đấu,… Từ đó, Vovinam mới có thể phát huy nội lực mạnh mẽ, tiếp tục lan tỏa tinh hoa võ Việt rộng rãi trong khu vực và nhiều nơi trên thế giới. Có lẽ đây cũng là mong ước của nhiều người yêu võ Việt…

Đội tuyển dối kháng Vovinam quốc gia tập luyện từ tháng 3-2021. Ảnh: VVF

Đội tuyển đối kháng: HLV trưởng Nguyễn Tấn Thịnh (TP.HCM), HLV Đào Xuân Thắng (Trung tâm HLTTQG Hà Nội) và HLV Nguyễn Thị Thanh (Hà Nội); VĐV Phạm Thị Kiều Giang (Bến Tre), Lê Thị Hiền (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Mộng Kiều (Tiền Giang), Đỗ Phương Thảo (Hà Nội), Bùi Thị Thảo Ngân (Đồng Tháp), Trần Quang Trung (Đồng Nai), Lê Hồng Tuấn (Bình Dương), Nguyễn Quang Duy (Bắc Giang), Nguyễn Tiến Sơn (Hà Nội), Nguyễn Thanh Liêm (TP.HCM), Đỗ Xuân Hiếu (Quảng Nam), Nguyễn Duy Linh (Bà Rịa Vũng Tàu). Đội tuyển đối kháng đã tập trung từ tháng 3-2021. Do ảnh hưởng của COVID-19 và không thể thi đấu các giải quốc tế, dù vậy, Ban huấn luyện vẫn thường xuyên kiểm tra đánh giá năng lực qua một số lần thi đấu nội bộ giữa các tuyển thủ.


Đội tuyển quyền: HLV trưởng Nguyễn Hồng Quì (TP.HCM), HLV Nguyễn Bình Định (TP.HCM), HLV thể lực Nguyễn Việt Tuần (Trung tâm HLTTQG TP.HCM); VĐV Lâm Thị Thùy My, Lê Toàn Trung, Lâm Trí Linh, Trần Tấn Lập (Cần Thơ), Lâm Đông Vượng, Huỳnh Khắc Nguyên, Trần Thế Thường, Mai Thị Kim Thùy, Phạm Thị Bích Phượng, Mai Đình Chiến, Trương Thạnh, Nguyễn Hoàng Tấn, Lê Phi Bảo, Lê       Đức Duy, Nguyễn Quốc Cường, Nguyễn Thị Hoài Nương, Nguyễn Hoàng Dũ, Nguyển Thị Ngọc Trâm (TP.HCM), Đinh Thiên Long (Đồng Nai), Nguyễn Thị Hiền (Hà Nội), Đoàn Đình Thanh (Quân đội).

Thiện Tâm