Ầm! Một cú chỏ lật cắm phập vào mặt võ sĩ từng vô địch quốc gia tên Trần Cường. Khán giả hoa mắt và gào thét khi trận đấu mới diễn ra hơn hai phút.
Nhà đương kim vô địch miền Nam Việt Nam, người vốn được coi là hung thần trên sàn đấu đã bị võ sĩ Phi Hùng đánh nằm đo ván. Trọng tài đếm đến tám, võ sĩ Trần Cường nhỏm dậy như tiếc nuối chiếc vương niệm, rồi lại ngã vật xuống. 2.000 khán giả vỡ tung trên sân Tinh Võ: “Phi Hùng vô địch!
“Báu vật” miền Trung
Chúng tôi tìm về căn nhà của vợ chồng võ sư Nguyễn Phi Hùng, nằm cạnh bến xe trung tâm Quảng Ngãi(tỉnh Quảng Ngãi). Nói về sự nghiệp võ thuật của mình, võ sư Hùng cười cho biết: “Dài lắm! Kể cả ngày cũng không hết”.
Võ sư Nguyễn Phi Hùng, tên thật là Nguyễn Ninh (SN 1952, ngụ phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi). Quê gốc của ông thuộc xã Đức Thắng (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Khi ông mới bập bẹ gọi “ba! Ba!”, thì cha ông đã tập kết ra Bắc. Việc nuôi con đè lên vai người mẹ. Người anh cả, võ sư Nguyễn Hồng sau nhiều năm bôn ba khắp mọi miền tầm sư học đạo, đã quay về truyền nghề cho đứa em út.
Năm 15 tuổi, sư phụ cho thượng đài lần đầu tiên tại rạp Kiến Thành ở Quảng Ngãi. Như con chim ưng vừa đủ lông, đủ cánh, ông tung người lên cao, đáp xuống kẹp cổ đối thủ. Cái dáng mảnh khảnh của cậu thiếu niên lúc đó đã toát ra sự uyển chuyển, biến hóa, lấy nhu khắc cương. Chỉ chớp mắt, Phi Hùng tung ra ba đòn. Đối thủ chưa kịp định thần, đã bị võ sĩ này nhập nội, áp sát và ra đòn.
“Sau trận đấu đó, tôi từ một võ sĩ vô danh tiểu tốt, được giới võ thuật Quảng Ngãi ngưỡng mộ, ca tụng. Sau đó, nhiều võ sĩ miền Trung tìm đến tôi thách đấu đều bị đánh bại. Từ đó, mọi người gọi tôi là “báu vật” miền Trung”, võ sư Hùng kể.
Khi giao đấu, điều khác biệt của võ sư Phi Hùng đó là ánh mắt không kinh hãi trước đối thủ, không hằn lên những ánh chớp sát khí khi tung đòn quyết định, không bộc lộ đau đớn khi bị trúng đòn. Sự kết hợp giữa tâm pháp và quyền pháp: “Tâm phẳng lặng như mặt nước hồ thu”, giúp cho người võ sư luôn giữ được sự quân bình. Chính vì vậy, võ sư Phi Hùng nhìn thấu được đòn thế mà đối phương định động thủ. Đòn thủ trở thành công, khi phản công có sức mạnh như cuồng phong.
Hạ võ sĩ vô địch quốc gia trong hai phút
“Trong sự nghiệp của mình, tôi nhớ nhất hai trận quyết đấu với võ sĩ Trần Cường, đương kim vô địch quốc gia. Hai trận đấu không chỉ đưa tên tuổi tôi bay cao, mà qua đó khẳng định vị thế của võ thuật Quảng Ngãi”, ông Hùng nói.
Đưa cho chúng tôi xem hình ảnh trận đấu, ông Hùng kể, tháng 3/1974, Tổng cục Quyền thuật của chính quyền Sài Gòn tổ chức thi đấu tranh giải vô địch Việt Nam. Võ sĩ Phi Hùng, Quảng Ngãi bốc thăm số 16, đấu với Xuân Thịnh số 13, võ đường Xuân Bình.
Hôm sau, ban tổ chức đã đổi vị trí: võ sĩ Phi Hùng gặp võ sĩ vô địch quốc gia Trần Cường. Võ sĩ Trần Cường lúc đó đã nổi danh như cồn. Bởi cú đấm tay phải của võ sĩ này được ví như chiếc búa máy đang bị nén hơi. Hầu hết các trang báo đều cho rằng, lên đài độ một phút, cú đánh dứt điểm phát một của võ sĩ Trần Cường sẽ khiến “con gà của Quảng Ngãi” “rũ cánh”.
Trận đấu diễn ra nảy lửa, võ sĩ Trần Cường phải chống đỡ đòn đánh và liên tục ngã kềnh ra sàn đài. Khán giả cuồng nhiệt cổ vũ: “Võ sĩ Quảng Ngãi thắng Trần Cường”.
Nhưng kết thúc ba hiệp, ban tổ chức bất ngờ tuyên bố: Võ sĩ Trần Cường thắng điểm. Cả sân Tinh Võ náo động vì khán giả nhảy lên phản đối.
Nhấp ngụ trà, võ sư Hùng hào hứng kể: “Không chỉ vậy, mà báo chí cũng ủng hộ tôi. Sáng 30/3/1974, nhiều tờ báo đã dành trang nhất để nói về võ thuật, và phản đối sự phán quyết của ban tổ chức.
Tờ báo Quật Cường thì bình luận và đặt câu hỏi: Đây có phải là một cuộc tranh giải vô địch quốc gia, hay là một cuộc tổ chức cờ gian bạc lận để cho khán giả đánh cá?”.
Bất phân thắng bại, hai bên thách đấu lần hai vào ngày 26/8/1974. Ngày quyết đấu, tại sân Tinh Võ, khán giả cuồng nhiệt tột độ. “Tôi nhớ, đến thăm tôi có một người đàn bà xinh đẹp, vợ của một sĩ quan ngụy thốt lên: “Chết em ơi! Gầy gò như vầy mà đánh chi với cái thằng khỏe như ngựa. Chị là đồng hương, quê ở Đức Phổ nè. Chị cho chút tiền em đón xe về quê tập luyện, tẩm bổ rồi sau này hẵng tính”. Tôi chỉ cười và nói “chị hãy chờ xem””, ông Hùng kể tiếp.
Trận đấu bắt đầu, Trần Cường bay song phi kèm theo một trận đấm đá như mưa. Và chỉ chờ có thế, võ sĩ Phi Hùng gạt nhẹ làm lệch hướng đi như gió của cú đấm ngàn cân từ nhà đương kim vô địch. Cú đấm lướt qua má phải bỏng rát như viên đạn. Chân trái tung một cú đá xé gió, đặt xuống, thọc sâu vào giữa hai chân trụ của nhà vô địch đang chúi người.
Ầm! Một cú chỏ lật cắm phập vào mặt võ sĩ Trần Cường. Khán giả hoa mắt và gào thét khi trận đấu mới vừa hơn hai phút, nhà đương kim vô địch miền Nam Việt Nam, người vốn được coi là hung thần trên sàn đấu đã nằm đo ván.
Trọng tài đếm đến tám, võ sĩ Trần Cường nhỏm dậy như tiếc nuối chiếc vương niệm, rồi lại ngã vật xuống. 2.000 khán giả vỡ tung trên sân Tinh Võ: “Phi Hùng vô địch!”
Sau trận thắng, khán giả tỏ lòng mến mộ chàng võ sĩ bằng cách ào lên ủng hộ tiền. Sáng hôm sau, báo Độc Lập lấy tựa đề: “Khán giả hò reo trút hầu bao ban thưởng 76.500 đồng (Cường chỉ được 2.000 đồng), số tiền kỷ lục 20 năm tổ chức thi đấu”. Còn báo Đông Phương viết: “Lần đầu tiên võ sĩ miền Trung Nguyễn Phi Hùng làm chấn động làng võ…”
“Đó là số tiền thưởng kỷ lục thời bấy giờ. Với số tiền trên, tôi mua vàng đổ đầy hai lon sữa bò phân phát cho các sinh viên nghèo của miền Trung đang học tập ở Sài Gòn, và mang về phân phát cho đồng đội”, ông Hùng nói.
“Học võ để giúp đời…”
Đất nước giải phóng, câu chuyện về những cuộc quyết đấu đổ máu trên sàn đài, tiếng gào cuồng nhiệt của khán giả trên đấu trường rồi cũng đến lúc trở thành quá khứ.
Năm 1977, Nguyễn Phi Hùng đã thi và đậu trường ĐH Thể dục Thể thao Trung ương. Năm 1981, ông ra trường, với quyết tâm phát triển võ thuật ông quay về Quảng Ngãi và gây dựng lại phong trào, tạo điều kiện cho các võ sĩ có điều kiện tham gia thi đấu quốc tế.
Năm 1990, Võ sư Nguyễn Phi Hùng ra Hà Nội tham gia làm huấn luyện viên đội tuyển Quốc gia Việt Nam với các môn boxing, tán thủ. Ông hai lần dẫn quân đi Sea Games thi đấu.
Năm 2002, ông quay về Quảng Ngãi phụ trách trung tâm Thể dục Thể thao ở tỉnh nhà. Năm 2012, ông về hưu, nhưng với niềm đam mê võ thuật ông vẫn tham gia làm cố vấn cho ttrung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Ngãi, và làm ủy viên Liên đoàn Võ thuật Việt Nam.
Tâm sự với chúng tôi, võ sư Nguyễn Phi Hùng cho biết, ông thường “rèn” các huấn luyện viên, phải dạy bằng kỹ thuật và thể lực của chính mình, thì mới tránh được việc thầy nặng lý thuyết, học trò nặng sách vở. Võ thuật thường đòi hỏi sự biến hóa khôn lường. Thầy giỏi mới đào tạo ra được học trò hay. Ông thường dạy học trò võ thuật còn có nghĩa là võ đạo, tức học võ để làm việc thiện và giúp đời. Học võ để thân thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng.
Các võ sĩ Tạ Quang, Hiếu Hiền, Lê Văn Hùng, Nguyễn Quốc Cường, Ngô Sỹ… là những học trò xuất sắc của ông, trong đó có võ sĩ nhiều năm liền giành giải vô địch quốc gia về quyền Anh. Nối nghiệp cha, cô con gái Nguyễn Thị Phạm Tú của võ sư Phi Hùng, hiện cũng là võ sĩ tài năng trong đội Võ cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi.
“Gạch nối” giữa các bậc danh sư và thế hệ sau
Ông Bùi Văn Sỹ, Giám đốc trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Ngãi cho biết, võ sư Nguyễn Phi Hùng là người có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của võ thuật Quảng Ngãi hiện nay. “Báu vật” ông truyền dạy cho các thế hệ sau, chính là tinh thần gìn giữ võ cổ truyền, kinh nghiệm cận chiến trong đấu trường. Ông còn trở thành “gạch nối” giữa các bậc danh sư: Lâm Võ, Bảo Truy Phong, Nguyễn Hồng… với các thế hệ võ thuật ở Quảng Ngãi hiện nay.
Theo khamphavothuat