Việc giảm cân quá mức và không khoa học có thể dẫn đến chứng rối loạn ăn uống. Hậu quả của điều này không chỉ là nhất thời mà còn kéo dài đến một thời gian rất lâu sau đó.
“Bạn sẽ trở thành một cô dâu đẹp nhất”, “Tôi không thể chờ đợi để nhìn thấy bạn trong bộ váy cưới”, “Mọi thứ sẽ thật hoàn hảo” – những bình luận trong bài đăng thông báo đính hôn của QuaKelsey Herbers, nhà văn tự do sống tại Charleston, South Carolina (Mỹ), vào cuối năm 2018.
Hôn lễ của cô và vị hôn phu diễn ra vào tháng 4/2020. QuaKelsey nhớ lại càng gần đến ngày trọng đại, cô càng cảm thấy áp lực trước những kỳ vọng từ gia đình, bạn bè.
Để xuất hiện trong diện mạo xinh xắn nhất, cô quyết định thực hiện chế độ ăn kiêng. Tuy nhiên, việc không có định hướng và quá bận rộn với giai đoạn chuẩn bị đám cưới khiến QuaKelsey mắc chứng rối loạn ăn uống toàn diện.
“Một nghiên cứu cho thấy cứ ba người ăn kiêng thì có một người sẽ gặp phải hội chứng này. Đây là điều rất phổ biến. Nhiều bệnh nhân trong số đó phải điều trị nội trú. Lúc đó, bạn sẽ mệt mỏi đến mức dường như không thể kéo mình ra khỏi hố đen”, Robyn L. Goldberg, chuyên gia dinh dưỡng, nhận xét.
Ăn kiêng không kiểm soát
Trong những ngày đầu lập kế hoạch đám cưới, lối sống của QuaKelsey thay đổi rất nhỏ. Cô mua một chiếc máy chạy bộ, ghi lại lượng calo nạp vào và tìm kiếm những lựa chọn bữa ăn lành mạnh hơn.
Nhưng khi đại dịch ập đến khiến QuaKelsey bị chôn chân ở nhà với dụng cụ tập thể dục, cốc đo lường và thời gian rảnh rỗi, cô đã tận dụng cơ hội đó để thử các phương pháp giảm cân mới.
Ám ảnh về sự tiến bộ và thân hình cân đối khiến QuaKelsey quyết tâm hơn. Nó cũng buộc vợ chồng cô phải hoãn ngày cưới.
Chỉ trong vài tháng, cô đã hạn chế nghiêm ngặt lượng calo nạp vào, cân trọng lượng nhiều lần trong ngày và tuân thủ các quy tắc luyện tập tự đặt ra. Cụ thể, 45 phút chạy trên máy và 120 phút đi bộ mỗi ngày (180 phút vào cuối tuần).
Trước khi đính hôn, QuaKelsey chưa bao giờ nghe nói về việc nhịn ăn gián đoạn, nhưng cô không mất nhiều thời gian để thành thạo nó.
Thói quen sinh hoạt của QuaKelsey bị xáo trộn nhưng cô lại không hề nhận ra điều bất thường cho đến gần 2 năm sau. Thời điểm đó, cô sụt tổng cộng 50 kg, mặc dù ban đầu mục tiêu chỉ là 25 kg.
Cảm xúc của QuaKelsey cũng được gắn liền với quá trình ăn kiêng. Nếu cân nặng buổi sáng cao hơn 90 gram so với hôm trước, cả ngày hôm đó của cô sẽ cực kỳ tồi tệ.
QuaKelsey rất thận trọng trong việc lựa chọn kế hoạch ăn uống để giữ được số kg như ý muốn. Thậm chí, cô còn không cho phép mình uống nước vào buổi tối hoặc qua đêm để sáng hôm sau không ảnh hưởng đến cân nặng.
Tính cách của QuaKelsey cũng thay đổi rõ rệt. Lần đầu tiên cô tranh cãi với chồng và trở nên hoảng sợ nếu không được ăn một mình. Cô đi ngủ bất cứ khi nào cảm thấy đói để không phải lo lắng về nó.
Tệ nhất là cô đã cẩn thận giấu kín tất cả hành động của mình để người thân, bạn bè không thể can thiệp.
Ám ảnh cân nặng
Chứng rối loạn ăn uống đã trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ. Số nữ giới dưới 30 tuổi mắc hội chứng này đã tăng 15,3%, theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Anh.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, đường dây trợ giúp của Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia báo cáo số người tìm kiếm sự giúp đỡ tăng 107%.
“Nếu bạn đang ăn kiêng và sau đó kéo dài chế độ này do đại dịch toàn cầu gây ra, điều đó giống như đổ thêm dầu vào lửa. Mọi người có thể cố gắng giảm cân cho ngày vui nhưng phải biết điều chỉnh lượng thức ăn của mình”, Becca Clegg, chuyên gia về rối loạn ăn uống và là tác giả của cuốn sách “Chấm dứt tư duy ăn kiêng”, nhận định.
Một số yếu tố có thể làm gia tăng cảm giác chán ăn hoặc cuồng ăn là sự cô lập, khó đối phó với cảm xúc và mong muốn kiểm soát điều gì đó trong môi trường không ổn định.
Thom Rutledge, nhà trị liệu tâm lý với hơn 40 năm kinh nghiệm lâm sàng, cho rằng con người đang sống trong một “nền văn hóa ăn kiêng”.
“Rất nhiều quan điểm về chứng rối loạn ăn uống đã trở nên bình thường hóa trong thế giới của chúng ta. Mọi người thậm chí không chất vấn khi bạn nói: ‘Tôi cần giảm cân để mặc vừa chiếc váy đó’. Khi không thấy ai phản bác, bạn sẽ có cái nhìn tiêu cực về bản thân”, Rutledge nói.
Goldberg cũng ghi nhận việc hoãn đám cưới làm ảnh hưởng đến chứng rối loạn ăn uống ở nhóm khách hàng của mình. Theo cô quan sát, các triệu chứng nghiêm trọng hơn trong đại dịch, dẫn đến nhu cầu điều trị ngày càng tăng.
Rối loạn ăn uống không phải là hội chứng tâm lý duy nhất phổ biến trong thời kỳ dịch bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc chứng lo âu và trầm cảm trên toàn cầu cũng tăng 25% chỉ trong năm đầu tiên của Covid-19.
Sau đám cưới chính thức, QuaKelsey quyết định tạm dừng việc siết cân nặng và lao vào tự do ăn uống.
Mãi cho đến khi ăn hết một ổ bánh mì trong vòng chưa đầy 15 phút, cô mới nhận ra mình cần giúp đỡ. Chồng QuaKelsey tìm thấy vợ mình nằm lăn trên sàn bếp, khóc nức nở và gập người lại vì quá no.
Theo Rutledge, chứng rối loạn ăn uống liên quan đến đám cưới luôn trở nên tồi tệ hơn khi sự kiện kết thúc.
“Mọi người thường không xuất hiện trong buổi trị liệu vào khoảng thời gian diễn ra đám cưới, họ sẽ đến khám sau đó. Một số khác phải đối mặt với những thứ tương tự khi họ sinh con. Đừng vội cho rằng đó chỉ là nhất thời”, Rutledge cho hay.
Theo Zing.vn