Cái chết của ca sĩ nhạc pop Coco Lee gây chấn động và làm dấy lên các cuộc thảo luận về vấn đề sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội Trung Quốc.
Theo bài đăng trên trang cá nhân của Carol và Nancy, hai chị gái của Coco Lee, cho biết nữ ca sĩ qua đời hôm 5/7 ở tuổi 48 vì tự sát sau nhiều năm bị trầm cảm.
Coco Lee được công chúng nhớ đến với hình ảnh đầy năng lượng trên sân khấu nên nhiều người đã bị sốc và không dám tin rằng cô tự tử. “Thật không thể tin nổi. Cô ấy luôn là cô gái tỏa nắng, thích ca hát, nhảy múa và tươi cười”, một bình luận trên Weibo thu hút hơn 3.000 lượt like. “Vậy trên đời này còn có người hạnh phúc không?”, một người khác viết.
Trong những lời tưởng nhớ, từ biệt gửi đến nữ ca sĩ tài năng, nhiều người thể hiện sự quan tâm đến vấn đề sức khỏe tinh thần mà gia đình Coco Lee nhắc đến. Những hashtag như “trầm cảm ở gần bạn đến mức nào”, “các triệu chứng trầm cảm” đã trở thành xu hướng trên các nền tảng trực tuyến khác nhau. Các kênh truyền thông như CCTV, People’s Daily và China Daily cũng đưa ra nội dung nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về trầm cảm và bệnh tâm thần.
“Mọi người có thể cảm thấy vấn đề sức khỏe tinh thần đang ngày càng trở nên cấp bách”, Tiến sĩ Jia Miao, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải, cho biết.
Cái chết của Coco Lee cũng cho thấy tình trạng đáng báo động mà Trung Quốc phải đối mặt: số lượng người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng nhanh và mạng lưới y tế chưa sẵn sàng để đối phó.
Trầm cảm, hoặc bất cứ tình trạng tinh thần nào, từ lâu đã bị xã hội Trung Quốc kỳ thị. Bệnh tâm thần trong tiếng Trung Quốc là ‘jingshen bing’ giống như một từ ngữ xúc phạm dành cho người bị điên (shenjing bing). Ngoài ra, những người bệnh tâm thần luôn bị coi là mất trí.
Theo Ke Ren, người lập ra tài khoản mạng xã hội Viện Nghiên cứu Trầm cảm, các bệnh nhân ở Trung Quốc phần lớn không được chẩn đoán đúng. “Chúng ta thường nghe thấy những điều như ‘ai đó không đạt điểm cao ở trường nên họ đã nhảy khỏi tòa nhà. Nhưng chúng ta chưa bao giờ có cơ hội hỏi những người đó ‘chuyện gì đã xảy ra?’, và họ cần sự giúp đỡ gì”, Ren nói.
Trong vòng 10 đến 15 năm qua, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, áp lực đối với mỗi người lại tăng lên.
Tiến sĩ Miao cho hay người dân Trung Quốc mệt mỏi khi những cuộc cạnh tranh ở trường và nơi làm việc trở nên khốc liệt hơn, và các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã thu hút được sự chú ý của xã hội. Cô nói thêm: “Khi nhiều người thấy mình mắc phải những vấn đề này, họ sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm với gia đình và bạn bè, đồng thời tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia. Điều đó đã thay đổi thái độ của xã hội đối với chủ đề này”.
Các số liệu cho thấy số người dân Trung Quốc trở nên chán nản đang tăng mạnh. Theo khảo sát sức khỏe tâm thần Trung Quốc được công bố vào năm 2019, cứ 7 người thì có một người mắc ít nhất một loại bệnh về tinh thần trong đời.
Ngay cả những người được coi là thành công cũng bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm của họ.
Trong một bài báo được đăng năm 2015, Ren Zhengfei, người sáng lập gã khổng lồ công nghệ Huawei, tiết lộ ông từng bị trầm cảm và lo lắng nặng. Zhang Chaoyang, người sáng lập công ty công nghệ Sohu, đã nhiều lần cởi mở nói về trải nghiệm trầm cảm trong quá khứ của mình.
Đại dịch và chính sách “không Covid” cực kỳ nghiêm ngặt của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tinh thần của người dân.
“Các vấn đề về sức khỏe tinh thần thần xảy ra trong đại dịch. Những rắc rối về thu nhập, khó có cơ hội tìm việc làm – nỗi lo lắng của mọi người luôn ở đó và thậm chí còn tăng lên”, tiến sĩ Miao nói.
Đầu năm nay, cái chết của 4 thanh niên do tự tử tại một điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về sức khỏe tâm thần và áp lực xã hội ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã và đang cố gắng giải quyết vấn đề này.
Tiến sĩ Miao giải thích các trường học hiện bắt buộc phải có chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, các thành phố lớn, đơn vị cộng đồng cũng chỉ định người chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay là tình trạng thiếu chuyên gia có trình độ. Theo China Youth Daily, đến cuối năm 2021, Trung Quốc chỉ có 64.000 bác sĩ tâm lý.
“So với tốc độ nhận thức xã hội nhanh chóng, đất nước còn một chặng đường dài để chẩn đoán và điều trị các bệnh về sức khỏe tâm thần”, bác sĩ Miao nói thêm.
Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H