Phạm Ngọc Trâm và Nguyễn Thị Trang hiện là học sinh lớp 4 trường Tiểu học Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Mới đây, 2 em học sinh đã xuất hiện trong chương trình Việc Tử Tế của Đài truyền hình Việt Nam VTV. Trong suốt 4 năm học qua, Trâm chính là “đôi chân” của Trang trong mỗi buổi tới trường.
Trang sinh ra một gia đình thuộc diện nghèo, bố là lao động chính trong nhà còn hai anh, chị lớn hơn đều đang đi học. Từ ngày còn nhỏ, đôi chân của Trang bị teo, co quắp khiến em đi lại khó khăn. Mỗi khi muốn di chuyển em phải dùng 2 đầu gối đặt trên dép nhích từng chút một. So với bạn bè cùng trang lứa, cơ thể của em cũng gầy gò, nhỏ bé hơn. Với cơ thể không lành lặn như vậy, Trang luôn mơ ước được tham gia vào giờ ra chơi như các bạn học khác.
Hàng ngày mẹ đưa Trang tới trường nhưng không thể túc trực thường xuyên đưa em lên lớp. Thật may vì Trầm đã xuất hiện và luôn ở bên cạnh Trang. Trâm chia sẻ: “Hồi lớp 1 bạn không có ai chơi vì các bạn ai cũng sợ bảo bạn ý không đi được nên các bạn xa lánh. Cháu thấy thương bạn Trang lắm”.
Chính vì vậy mà Trâm đã chủ động bầu bạn cùng Trang, thủ thỉ, tâm sự và sẵn sàng làm “đôi chân” của bạn thân. Không chỉ cõng bạn tới trường mà trong suốt 4 năm qua Trâm còn giúp bạn di chuyển tới những phòng học chuyên biệt như môn Tin, môn Tiếng Anh trong các buổi học. Vì cõng bạn trên lưng, Trâm cảm nhận được cân nặng của bạn và thường xuyên động viên bạn ăn nhiều lên.
Cô Lê Thị Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp của hai em chia sẻ: “Bạn bè và thầy cô đều dành sự quan tâm đặc biệt cho Trang, nhưng sát và gần gũi nhất vẫn là Trâm. Em cũng đồng thời là liên đội trưởng của trường. Trâm sống hòa đồng và yêu thương bạn. Đặc biệt, ai hỏi đến Trang, Trâm còn sụt sùi, chảy nước mắt trước”.
Nhờ có sự quan tâm của người bạn thân mà Trang luôn đứng đầu lớp về thành tích, thường xuyên đạt giải trong các kỳ thi như thi tiếng Anh trên Internet, Trạng nguyên Toán. Trang học tập tốt, viết chữ đẹp, nhận được sự khen ngợi của thầy cô giáo về cả tinh thần lẫn năng lực. Nghị lực của Trang trở thành tấm gương tốt của các bạn học sinh khác trong trường.
Trang kể: “Bạn bảo cháu ăn nhiều lên vì do cháu quá nhẹ. Bạn nói có thể cõng đến khi nào cũng được miễn sao cháu học giỏi và cố gắng vươn lên là được”. Trong các buổi ra chơi, Trang cũng được bạn đưa ra sân trường, vui đùa, ngồi xích đu, trò chuyện vui vẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hồng, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Duy Ninh chia sẻ: “Tất cả thầy cô giáo trong trường và các bạn học sinh đều biết đến Trang, đồng thời dành cho em một tình cảm đặc biệt. Các thầy cô giáo luôn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi Trang cần. Nhà trường cũng tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân có thể giúp đỡ em”.