Từ 1/7, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng. Nhiều người có thắc mắc, lương hưu có được tăng theo hay không?

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động

Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định cách tính mức hưởng lương hưu như sau:

Mức lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Trong đó, mức hưởng lương hưu được quy định riêng với lao động nam và lao động nữ. Cụ thể:

+ Đối với lao động nam nếu đóng BHXH đủ 20 năm thì mức hưởng lương hưu tối thiểu 45%;

+ Đối với lao động nữ nếu đóng BHXH đủ 15 năm thì mức hưởng lương hưu tối thiểu 45%.

Sau đó, cứ thêm 01 năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ nhưng không vượt mức tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%; từ 6 tháng trở lên thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Mức đóng BHXH bắt buộc là căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Điều 63 Luật BHXH 2014, khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định: Tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Tăng lương tối thiểu vùng, lương hưu có tăng?

Khoản 2.6 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu như sau:

– Người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường mức tiền lương đóng BHXH không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng;

– Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng

– Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%;

– Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

luong-huu-01

Từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng chính thức được điều chỉnh tăng thêm từ 180.000 đồng – 260.000 đồng/tháng tuỳ thuộc theo vùng. Cụ thể như sau:

– Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.

– Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.

– Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.

– Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Nghị định cũng điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Theo quy định, mức lương hưu của người lao động được hưởng căn cứ vào tiền đóng BHXH.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đóng BHXH bắt buộc hàng tháng cho người lao động bằng mức lương tối thiểu vùng. Do đó, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 sẽ làm tăng mức đóng BHXH bắt buộc. Khi đó, tiền lương hưu cũng tăng. 

Tuy nhiên, tiền lương chỉ chiếm một phần trong việc tăng lương hưu. Ngoài mức đóng BHXH, tiền lương hưu còn phụ thuộc và tỷ lệ lương hưu hằng tháng và chính sách điều chỉnh lương hưu.