Những thay đổi trên da như tím tái, xuất hiện u vàng hay đốm xuất huyết… có thể cảnh báo dấu hiệu của sức khỏe tim mạch kém.

Các dấu hiệu trên da cảnh báo bệnh tim

1. Tím tái

Da, môi và móng tay của bạn có thể trông hơi xanh xao, tái nhợt. Theo Tiến sĩ Abhijit Borse, bác sĩ tim mạch can thiệp, Viện Tim mạch Châu Á, Mumbai (Ấn Độ), điều này xảy ra khi lượng oxy trong máu giảm. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh suy tim hoặc dị tật tim bẩm sinh.

2. Ngón tay dùi trống

Ảnh: Wikipedia
Ảnh: Wikipedia

Ngón tay dùi trống chỉ các phần da đầu ngón tay to hơn, móng tay sưng tròn hơn. Biểu hiện này ở da thường liên quan đến nồng độ oxy trong máu thấp trong thời gian dài. Ngón tay dùi trống thường thấy trong các tình trạng như bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi mãn tính.

3. U vàng (Xanthoma)

Xanthoma là chất béo lắng đọng có thể nổi lên dưới dạng vết sưng màu vàng trên da. Chúng có thể được nhìn thấy ở những người có mức cholesterol cao – một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.

4. Đốm xuất huyết (Petechiae)

Ảnh: Banner Health
Ảnh: Banner Health

Đốm xuất huyết là những đốm đỏ hoặc tím rất nhỏ xuất hiện khi chảy máu dưới da. Tiến sĩ Borse cho biết chúng có thể là dấu hiệu viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở van tim.

5. Hạch Osler và tổn thương Janeway

Trong khi hạch Osler là những mụn mềm nổi lên trên ngón tay và ngón chân, tổn thương Janeway là những nốt đỏ hoặc tía không đau trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Cả hai có thể được nhìn thấy trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

6. Tĩnh mạch mạng nhện

Ảnh: Womenshealth
Ảnh: Womenshealth

Tĩnh mạch mạng nhện là những mạch máu nhỏ, giãn ra xuất hiện gần bề mặt da. Chúng xuất hiện trong một mô hình ngoằn nghèo giống như mạng nhện và nhiều khả năng liên quan đến một số loại khuyết tật van tim hoặc bệnh gan, có thể ảnh hưởng gián tiếp đến chức năng tim.

Làm gì khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim trên da?

Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu da nào liên quan đến các vấn đề tiềm ẩn về tim, điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp cho bác sĩ của bạn một bệnh sử toàn diện, bao gồm bất kỳ bệnh tim nào đã có từ trước, tiền sử gia đình mắc bệnh tim và bất kỳ thông tin liên quan nào khác.

1. Trải qua các xét nghiệm chẩn đoán

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm khác nhau để đánh giá thêm chức năng tim và xác định bất kỳ tình trạng tiềm ẩn nào. Tiến sĩ Borse cho biết các xét nghiệm này có thể bao gồm xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim, kiểm tra mức độ căng thẳng hoặc các nghiên cứu hình ảnh khác, tùy thuộc vào tình huống cụ thể.

2. Làm theo lời khuyên y tế

Dựa trên kết quả đánh giá và xét nghiệm, bác sĩ sẽ đề xuất các lựa chọn điều trị thích hợp hoặc điều tra thêm. Điều quan trọng là bạn cần làm theo lời khuyên của họ, có thể bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc hoặc đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi thêm.

3. Duy trì lối sống lành mạnh

Bất kể chẩn đoán cụ thể là gì, việc áp dụng lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe tim là điều cần thiết. Bạn nên duy trì việc tập thể dục, tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát căng thẳng và tránh hút thuốc hoặc uống quá nhiều rượu.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link