Đau lòng khi da bị mụn trứng cá nặng, nhiều người phải trang điểm để lấy lại sự tự tin, điều này lại khiến tình trạng da nghiêm trọng hơn.

Theo bác sĩ, làn da bị mụn trứng cá vốn rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Ảnh: Pinkvilla.

Trở về nhà sau một ngày làm việc với lớp trang điểm (makeup) dày trên mặt, Vy Trần (23 tuổi, làm việc tại TP.HCM) mất hơn nửa giờ để làm sạch da. Mặc dù da đang bị mụn trứng cá và nhạy cảm, cô vẫn thường xuyên makeup đậm như thế mỗi khi ra đường.

“Tôi thường làm mẫu ảnh, đi hát và làm MC nên dường như tuần nào cũng phải makeup. Tôi rất sợ bí da, nhiễm trùng các nốt mụn nhưng vì công việc nên không thể không trang điểm”, Vy tâm sự.

Vất vả tẩy trang sau khi makeup

Vy cho biết do da có nhiều nốt mụn sưng to, mụn đầu trắng và vết thâm, cô phải thoa 2-3 lớp kem nền và dùng che khuyết điểm riêng biệt để che hết được khuyết điểm trên mặt.

“Mỗi lần tẩy trang, tôi phải dùng đến 10-15 miếng bông và lau đi lau lại nhiều lần mới sạch cặn trang điểm. Tôi cố gắng lau thật nhẹ nhàng để tránh ma sát, khiến các nốt mụn vỡ ra và nhiễm trùng nặng hơn”, Vy cho biết.

Trước khi makeup, cô nàng này sẽ thoa lớp dưỡng ẩm và kem lót để ngăn cách da và lớp nền, từ đó hạn chế tình trạng da tiếp xúc trực tiếp với lớp trang điểm. Dù đã tẩy trang thật sạch và dưỡng da sau mỗi lần makeup, làn da của Vy vẫn có dấu hiệu ửng đỏ, hơi châm chích và viêm nhiều hơn.

Tương tự Vy, Ngọc Diệp (22 tuổi, làm việc tại TP.HCM) vẫn phải makeup thường xuyên dù da đang bị mụn.

“Tôi làm ở vị trí chăm sóc khách hàng nên dường như ngày nào cũng phải gặp gỡ khách. Trước đây, da ít khi lên mụn nên dường như tôi không makeup, chỉ thoa mỗi son. Từ ngày da nổi mụn nhiều, tôi bắt đầu đánh kem nền và dùng kem che khuyết điểm để tự tin hơn”, Diệp chia sẻ.

Bác sĩ chỉ định tôi dùng thuốc thoa mụn và thuốc uống hàng ngày cũng như khuyên hạn chế dùng mỹ phẩm. Do tính chất công việc, tôi không thể không trang điểm.

“Cuối ngày, khi tẩy trang, nhìn lớp trang điểm lung linh, bóng loáng bị nước rửa trôi và để lại làn da viêm đỏ, đầy vết thâm, tôi rất đau lòng”, Diệp buồn bã nói.

Nên hạn chế lớp trang điểm khi bị mụn

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, khi da bị mụn, trong quá trình điều trị, tốt nhất chúng ta không nên trang điểm để da có được khoảng thở cần thiết.

Tuy nhiên, do nhu cầu công việc cần phải trang điểm, bạn nên thận trọng trong việc chọn lựa mỹ phẩm, dụng cụ trang điểm và phải tẩy trang đúng cách. Việc tẩy trang không kỹ hay dùng mỹ phẩm không phù hợp có thể gây bít tắc lỗ chân lông, khiến tình trạng mụn trứng cá nặng nề, dai dẳng và khó điều trị hơn.

Thậm chí, trong trường hợp da khỏe mạnh, trang điểm thường xuyên vẫn có thể xảy ra hiện tượng mụn trứng cá do mỹ phẩm. Biểu hiện cụ thể là nổi mẩn đỏ, còi mụn trắng nhỏ li ti ở vùng trán, má hoặc cằm. Các dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc vài tháng sau khi sử dụng mỹ phẩm.

Bác sĩ Thảo cho biết làn da bị mụn trứng cá vốn rất nhạy cảm, dễ bị kích thích và kích ứng. Việc lựa chọn mỹ phẩm không đúng cách có thể khiến da rơi vào vòng xoắn bệnh lý.

Đối với làn da mụn nhưng vẫn muốn makeup, bác sĩ Thảo gợi ý trước tiên, bạn nên hạn chế lớp trang điểm. Thông thường, chúng ta có xu hướng đánh nhiều lớp kem/phấn lên da.

Nhưng khi bị mụn, bạn có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm trước, tiếp đến là kem chống nắng có màu để giúp da đều màu hơn và che được phần nào khuyết điểm. Nhờ vậy, bạn có thể tránh được việc thoa quá nhiều lớp kem nền.

Làn da bị mụn trứng cá có xu hướng tiết nhiều dầu nhờn. Do đó, theo bác sĩ Thảo, bạn nên chọn những sản phẩm trang điểm không có gốc dầu, không có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông.

Cụ thể, trước khi mua mỹ phẩm, bạn hãy kiểm tra xem trên nhãn hiệu của nó có chữ là “oil free” (không có dầu) hoặc “non-comedogenic” (không sinh nhân mụn). Bên cạnh đó, việc chọn các sản phẩm trang điểm có kết cấu lỏng, nhẹ và thoáng như gel hay lotion rất quan trọng. Đồng thời, bạn nên hạn chế sử dụng những loại sản phẩm có kết cấu đặc như kem để tránh gây nặng mặt, kích ứng cho da.

Cuối cùng, để tán lớp nền, bạn lưu ý là không được dùng tay và nên dùng cọ trang điểm chuyên dụng như cọ tán nền, mút hay bông phấn. Việc dùng tay có thể tác động lực mạnh vào da, khiến làn da mụn vốn mỏng manh, nhạy cảm càng bị tổn thương nhiều hơn.

Các dụng cụ trang điểm cần bảo quản ở nơi sạch sẽ, vệ sinh khoảng một tuần/lần bằng xà bông và nước sạch để loại bỏ hoàn toàn dầu nhờn, tế bào chết hoặc vi khuẩn đọng lại trên đó.

Bác sĩ Thảo cũng lưu ý việc sử dụng chung dụng cụ trang điểm với người khác có thể vô tình làm lây nhiễm các vi khuẩn, tế bào chết hay bã nhờn từ da này sang da khác. Cuối ngày, sau khi trang điểm, bạn nên tẩy trang thật sạch để loại bỏ cặn trang điểm và bụi bẩn trên da.

Hơn hết, bác sĩ Thảo khuyến cáo khi da đang bị mụn, bạn cần nhanh chóng đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây mụn và đánh giá đúng mức độ nặng của bệnh. Từ đó, bạn sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị hợp lý và chăm sóc da đúng cách.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link