Có một loại “vũ khí” mà đa phần ai cũng luôn mang theo mình, dù nam hay nữ khi ra đường mà không sợ quy kết vào tội “tàng trữ hay sử dụng vũ khí trái phép”. Nhưng ít ai nghĩ đến chuyện sử dụng nó! Đó là sợi dây nịt.
Nhân đọc bài: Tay không chống dao không đơn giản như trên lý thuyết đăng trên vothuat.vn, tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả, đồng thời có một số ý kiến bổ sung như sau.
Nhưng trước hết, tôi xin lỗi các vị võ sư kiệt xuất, bởi những lưu ý này không nhắm vào quý vị, mà chỉ nhằm khuyến cáo những “anh hùng” non trẻ, hừng hực máu bốc đồng mà thôi.
Chắc nhiều người còn nhớ, một vụ việc đau lòng xảy ra hồi tháng 4/2019 tại Ninh Bình, gây xôn xao dư luận về vụ án một cô gái bị người yêu sát hại, trước sự chứng kiến của nhiều người, mà không ai dám can thiệp, trong số đó có cả một Thiếu tá CSGT!
Nhiều ý kiến bình luận theo quan điểm và cách đánh giá khác nhau. Nhưng đó là quan điểm và nhận xét mang tính xã hội.
Ở đây, ta tạm gác câu chuyện ấy qua một bên, và thử nhận định và cách xử lý tình huống theo góc độ võ thuật xem sao.
Trong tất cả các loại vũ khí, ngoài súng ra thì dao găm (dao ngắn) là loại vũ khí khó tiếp cận nhất bởi tính linh hoat của nó.
Một lưu ý cần thiết khi đối mặt với đối tượng manh động đang sử dụng dao ngắn, là tuyệt đối không được quay lưng bỏ chạy.
Sẽ rất nguy hiểm nếu vấp ngã hoặc đối tượng đuổi kịp, lúc đó đã kiệt sức hoặc hoảng loạn, không còn khả năng đối phó.
Tốt hơn hết là giữ bình tỉnh, chọn giải pháp thương thuyết rồi tùy tình hình mà yêu cầu trợ giúp.
Không chỉ dao, mà khi đối diện với bất kỳ loại vũ khí nào, thì yếu tố tinh thần vẫn đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành bại.
Do vậy, như chúng ta thấy, những tình huống trong diễn tập (luyện tập) thường khác xa với thực tế một trời một vực. Khi luyện tập/diễn tập, thì tâm lý luôn chủ động trước tình huống an toàn (bởi tính giả định) nên diễn tập luôn mang lại kết quả cao.
Trong khi đó, hoang mang lo lắng bởi nguy hiểm khó lường trong sự cố thực tiễn, nên thường dẫn tới hành động không mang lại kết quả như mong đợi.
Theo nhận xét dưới góc nhìn võ thuật thì vũ khí là cánh tay nối dài. Vì vậy vũ khí luôn tạo ra mức độ nguy hiểm hơn và hiệu quả hơn là tay không.
Ngoài khả năng sử dụng đôi tay, đôi chân, thì việc sử dụng thuần thục một hay nhiều loại vũ khí nào đó trong luyện tập võ thuật, cũng không có nghĩa là đã an tâm khi ra đường nếu gặp tình huống bất trắc. Bởi các loại vũ khí ấy không phải lúc nào cũng được mang theo người.
Tuy nhiên, có một loại “vũ khí” mà đa phần ai cũng luôn mang theo mình, dù nam hay nữ khi ra đường mà không sợ quy kết vào tội “tàng trữ hay sử dụng vũ khí trái phép”. Nhưng ít ai nghĩ đến chuyện sử dụng nó! Đó là sợi dây nịt.
Trong phạm vi bài viết này thì tôi chỉ đưa ra gợi ý cách sử dụng dây nịt đơn giản, dễ luyện tập và sử dụng khi cần.
Vấn đề quan trọng là nêu lên một ý tưởng để có thể khắc phục tình huống, khi mà vô tình rơi vào trạng thái bất lực nhìn hung thủ sát hại người khác một cách dã man!
Trong vụ án cô gái bị người yêu sát hại, giả sử nếu ai đó bình tĩnh rút dây nịt ra tấn công hung thủ (dây nịt dài hơn dao), tôi tin chắc tình huống không đến nỗi bi đát khiến cô gái phải chết oan uổng như thế.
Bởi hung thủ sẽ buông nạn nhân để chống đỡ hoặc tấn công lại người sử dụng dây nịt đánh mình. Như thế tình huống sẽ đảo ngược khi được kéo dài thời gian chờ lực lượng can thiệp.
Biết đâu, nhờ tình huống này mà hung thủ vượt qua cú khủng hoảng tâm lý một cách điên cuồng dẫn đến hành động điên rồ, định xuống tay gây án?
Dây nịt là một vật dụng nằm trong hầu hết các bộ trang phục thông thường hàng ngày của mọi giới, mọi lứa tuổi. Song ít ai nghĩ rằng dây nịt cũng có thể trở thành một thứ vũ khí hoặc dụng cụ chống vũ khí một cách hữu hiệu khi được khai thác đúng góc độ và kỹ thuật chiến đấu, mà người sử dụng không cần phải tìm đâu xa như tìm cây, tìm gậy, tìm gạch đá…
Người luyện tập võ thuật có thể dựa trên căn bản của một số đòn thế có sẵn, trong hệ thống đòn thế vũ khí chống vũ khí của nhiều môn phái như các thế kiếm, các thế mộc bản hoặc đoản côn hay nhị khúc…mà khai thác một phiên bản mới, phù hợp với loại vật dụng này. Mong rằng các bạn có thể tham khảo và thử nghiệm.
Cách cầm dây nịt:
Khi dây nịt được rút ra khỏi thắt lưng, thường thì tay phải cầm ở búp nịt. Chúng ta nhanh chóng vuốt dây nịt chuyển tay phải cầm vào đầu dây nịt và cuộn một vòng vào bàn tay cho cho khỏi tuột, tay trái cầm bút nịt. Linh hoạt điều chỉnh độ dài và độ căng hoặc chùng của dây nịt cho phù hợp với từng thế đánh (nên sử dụng loại dây nịt bằng da có độ chắc chắn cao).
Có nhiều cách vụt dây nịt, nhưng chung quy đều sử dụng bút nịt tấn công hoặc đánh vào tay cầm dao hoặc vũ khí của đối phương.
Thế đánh căn bản nhất, là vòng tay phải qua trái để vụt dây nịt chéo trên xuống từ bên trái chéo qua phải và vung tay phải ra ngoài để vụt dây nịt chéo trên xuống phải qua trái (đánh chéo chữ X). Mục tiêu tấn công là đầu và mặt của đối phương.
Có thể vụt mạnh dây nịt vào tay cầm vũ khí của đối phương để dây nịt cuộn vào cổ tay và giật mạnh làm rơi vũ khí.
Lưu ý:
– Cầm chắc đầu nịt để không vuột khỏi tay và di chuyển linh hoạt sao cho phù hợp với hướng vụt dây nịt mang lại hiệu quả cao nhất.
– Khi luyện tập, để tránh gây sát thương thì nên dùng một đoạn dây đai tương xứng với sợi dây nịt để tập.
Minh Quang