Giá trị nhận về đối với một người học võ không phải chỉ qua sức mạnh, tốc độ, kỹ thuật hay thành tích. Nó là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố, học võ để có một thể lực tốt đồng thời cũng rèn luyện cho bản thân tính kiên trì, nhẫn nại, loại bỏ hết những tạp niệm và tập trung hoàn toàn cho những điều trước mắt.

Người xưa có câu “Gừng càng già càng cay”, ý chỉ những người đã luyện tập lâu năm sẽ dày dặn kinh nghiệm hơn, đặc biệt là kinh nghiệm thực chiến. Câu nói này cũng cho thấy rõ quan điểm việc học võ không phải là một sớm một chiều, mà đó là sự tich lũy trau dồi từng ngày. Kiếm đạo cũng vậy, mỗi ngày luyện tập một ít, để hiểu, để thấu, để phát ra những điểm mạnh mà cố gắng phấn đấu, tìm ra những điểm thiếu sót để cải thiện tốt hơn. Dần dần hoàn thiện nhân cách sống của bản thân chính là giá trị tinh thần cốt lõi mà Kiếm đạo luôn hướng đến cho người học.

Những câu hỏi thường gặp đối với người tập Kiếm đạo (P.1)

5. Khi nào có thể bắt đầu tập luyện kiếm đạo?

Không có giới hạn tuổi tác nào cho việc bắt đầu tập luyện kiếm đạo. Trẻ em có thể tập kiếm đạo khi lên 5, 6 tuổi. Do kiếm đạo du nhập vào Việt Nam chưa lâu, các kiếm sinh Việt Nam thường tiếp cận với kiếm đạo khi còn là học sinh cấp 3 hoặc sinh viên đại học. Tuy nhiên, không có vấn đề gì nếu bạn bắt đầu tập luyện kiếm đạo ở độ tuổi 30, 40, 50 thậm chí 60. . . Không bao giờ trễ cho một sự khởi đầu.

6. Khi nào phải ngừng tập luyện kiếm đạo?

Kiếm đạo hướng đến sự thoải mái của người tập, do vậy, không có giới hạn về độ tuổi cho việc tập luyện kiếm đạo. Thông thường những môn võ thuật dùng các bộ phận cơ thể để đối kháng (tay, chân . . .), do vậy, đến một độ tuổi nhất định, các võ sinh sẽ không thể thi đấu trực tiếp. Tuy nhiên, kiếm đạo đối kháng gián tiếp qua cây kiếm tre (shinai), do vậy, cơ thể phải chịu lực rất ít. Đây cũng chính là lý do Kendo rất thích hợp với người lớn tuổi. Có những võ sư Nhật Bản vẫn tập luyện kiếm đạo đều đặn khi ở tuổi 80, 90 thậm chí 102 tuổi vẫn mang kiếm ra thi đấu biểu diễn. Khi càng tập luyện lâu dài, đường kiếm của người tập càng thoải mái, nhẹ nhàng, chính xác và đẹp. Vì vậy người Nhật Bản nói rằng tập kiếm đạo là chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh.

Ngân Đoàn – SSDIC – FSS